Dự Chương trình có đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Lò Văn Mừng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Lê Văn Quý, UV BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các nhà giáo nguyên lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo qua các thời kì, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở; các nhà giáo ưu tú, cán bộ, công chức Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt là sự có mặt của 22 nhà giáo đoàn giáo viên năm 1959.
Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểuBài diễn văn “Giáo dục Điện Biên, 60 năm chặng đường xây dựng và phát triển”, đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá quá trình hình thành, phát triển và những thành tựu của giáo dục Điện Biên từ ngày thành lập đến nay, đặc biệt là ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn, sự hy sinh thầm lặng của các nhà giáo đoàn giáo viên năm 1959, những người đã ghi lại dấu ấn một thời đầy gian khó nhưng cũng rất vinh quang và tự hào.
Phát biểu tại Chương trình kỉ niệm, đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã gửi lời tri ân sâu sắc đến các nhà giáo đoàn giáo viên năm 1959, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến lớn lao của các thế hệ nhà giáo đối với công tác giáo dục cho đồng bào các dân tộc vùng cao; ghi nhận những thành tích mà ngành giáo dục và đào tạo đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong những năm qua; nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lí, dạy và học, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhà giáo Lê Thúc Kỷ, đại diện đoàn giáo viên năm 1959 phát biểuPhần giao lưu các thế hệ nhà giáo, học sinh với chủ đề tự học và sáng tạo là cuộc gặp gỡ đầy cảm động với những câu chuyện chân thực của 60 năm về trước, về những con người theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ đi đến những bản làng xa xôi nhất, thực hiện mục tiêu xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Các nhà giáo trong đoàn giáo viên năm 1959 chính là những người đặt nền móng đầu tiên cho giáo dục vùng cao, họ đã gieo chữ trên mảnh đất khô cằn đầy sỏi đá, kiên trì chăm bẵm từng hạt giống, để cho những mầm non đầu tiên nơi miền cực Tây của Tổ quốc nảy mầm trên đá. Những trái tim rực lửa ấy cháy bỏng lòng yêu nước, tình yêu nghề với tất cả lương tâm và trách nhiệm, cao quý và thiêng liêng.
Sự hy sinh thầm lặng của họ là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà giáo hôm nay và mai sau học tập, tiếp tục kế thừa và phát huy sức trẻ, tài năng của mình, tự học và sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần đưa phong trào giáo dục tỉnh nhà vững bước trong tương lai./.
Một số hình ảnh tại Chương trình kỉ niệm